Cách mạng bùng nổ Chiến_tranh_giành_độc_lập_Hy_Lạp

Cách mạng tại các Công quốc Danube

Alexander Ypsilantis được bầu làm lãnh đạo hội Filiki Eteria tháng 4 năm 1820, rồi tự đặt mục tiêu lên kế hoạch khởi nghĩa. Mục tiêu của ông là phát động toàn bộ người Ki-tô giáo tại Balkan khởi nghĩa, và có lẽ sau đó dựa vào Nga can thiệp. Ngày 22 tháng 2 năm 1821, ông vượt sông Prut cùng với đoàn tùy tùng, tiến vào lãnh thổ các Công quốc Danube (Romania và Moldova ngày nay), rồi để vận động người Romania gia nhập, ông tuyên bố là ông được "hậu thuẫn từ một cường quốc", ám chỉ đế quốc Nga. Hai ngày sau khi vượt sông, ông ra tuyên cáo kêu gọi toàn thể nhân dân Hy Lạp và Ki-tô giáo nổi dậy chống lại Đế quốc Ottoman:

Hãy chiến đấu vì Đức tin Thiên Chúa và Đất mẹ! Giờ chiến đấu đã điểm, hỡi những con dân Hy Lạp. Biết bao lâu nay, nhân dân châu Âu, những người đã chiến đấu vì tự do và quyền làm người, kêu gọi chúng ta tiếp bước họ... Nhân dân tiến bộ châu Âu, vốn bận bịu đấu tranh giành lại quyền được sống, hàm ơn ông cha ta, mong mỏi được thấy ngày Hy Lạp được tự do... Biết bao người châu Âu yêu tự do đã sẵn sàng gia nhập hàng ngũ chúng ta để cùng tranh đấu... Ai có thể ngăn được bàn tay mạnh mẽ của ta? Quân thù hèn hạ đang suy yếu, tướng sỹ của ta đầy kinh nghiệm, đồng bào ta đầy nhiệt huyết. Hãy sát cánh lại, hỡi những người con Hy Lạp anh dũng và cao thượng! Hãy xiết chặt đội hình phalanx, hãy trỗi dậy những binh đoàn ái quốc, ta sẽ thấy những tên khổng lồ bạo chúa sụp đổ tan tành, trước lá cờ chiến thắng của chúng ta[6]

.

Đội thần binh trong trận Dragatsani tranh của Peter von Hess, Viện bảo tàng Benaki, Athena-Hy Lạp

Thay vì tiến quân về Brăila, nơi ông có lẽ đã có thể chặn đường tiến của quân Thổ vào các Công quốc Danube, và buộc Nga phải chấp nhận sự đã rồi, ông dừng lại ở Iaşi và cho xử tử một số người Moldova với tội danh "tay sai giặc Thổ". Ông đến Bucharest ngày 27 tháng 3, rồi sau vài tuần chần chừ, ông nhận định rằng ông không thể dựa vào các đội du kích Pandur của người Wallachia có căn cứ ở Oltenia để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy của Hy Lạp. Thủ lĩnh Pandur là Tudor Vladimirescu lại không tin tưởng Ypsilantis, và với cương vị là đồng minh trên danh nghĩa với Eteria, lại bắt đầu một cuộc nổi loạn như một phương thức để ngăn Scarlat Callimachi, vốn trị vì Moldavia, không giành được ngai vàng của Bucharest, trong khi vẫn tìm cách giữ quan hệ với cả Đế quốc Nga và Đế quốc Ottoman.

Chính tại thời điểm đó, cựu ngoại trưởng Nga là John Capodistria, là một người Hy Lạp sinh trưởng tại đảo Corfu, gửi một lá thư đến cho Ypsilantis quở trách ông lạm dụng sự ủy thác của Sa hoàng, tuyên bố là tên ông đã bị xóa bỏ khỏi danh sách sĩ quan Nga, và lệnh cho ông hạ vũ khí. Ypsilantis tìm cách lờ bức thư đi, nhưng Vladimirescu coi đó như dấu hiệu chấm dứt mọi ràng buộc với Eteria. Một cuộc xung đột nội bộ nổ ra, và ông bị Eteria kết án tử hình ngày 27 tháng 5. Mất đi sự ủng hộ của các đồng minh người Romania và lại phải chống lại đạo quân Thổ xâm nhập lãnh thổ Wallachia, số phận những người Hy Lạp đã được định đoạt, họ bị đánh bại trong trận Drăgăşani, Đội thần binh bị tiêu diệt hoàn toàn.

Alexander Ypsilantis, được em trai là Nicholas hộ vệ, cùng một dúm những người tùy tùng, rút về Râmnic, nơi ông trong vài ngày tìm cách thuyết phục nhà chức trách Áo địa phương cho phép ông vượt qua biên giới. E ngại là những người theo mình có thể bắt ông đem nộp cho quân Thổ, ông tuyên bố là Áo đã tuyên chiến với Đế quốc Ottoman, cho cử hành lễ Tạ ơn tại nhà thờ Cozia, rồi viện cớ thu xếp cuộc gặp mặt với tổng chỉ huy Áo, ông vượt biên giới. Tuy nhiên Áo từ chối cho ông tỵ nạn chính trị, ông bị giam cấm cố trong bảy năm liền[7]. Tại Moldavia, cuộc đấu tranh còn tiếp diễn trong một thời gian dưới sự lãnh đạo của Giorgakis OlympiosYiannis Pharmakis, nhưng tới cuối năm thì quân Thổ cũng bình định được vùng này.

Cách mạng tại bán đảo Peloponnese

Bán đảo Peloponnese, với truyền thống kháng chiến chống lại Đế quốc Ottoman là trái tim cuộc khởi nghĩa. Trong những tháng đầu năm 1821, vì Tổng trấn người Thổ Mora valesi Hursid Pasha và phần lớn quân đồn trú vắng mặt nên tình hình hết sức thuận lợi cho người Hy Lạp vùng dậy chống lại ách chiếm đóng. Theodoros Kolokotronis, một chiến sĩ tự do klepht Hy Lạp lừng danh, người từng phục vụ trong quân đội Anh tại quần đảo Ionian trong cuộc chiến tranh Napoléon, trở về ngày 6 tháng 1 năm 1821, và đến bán đảo Mani. Quân Thổ nhận được tin báo nên đòi vị thủ lĩnh địa phương Petros Mavromichalis, cũng được biết đến với tên gọi PetroBey - Bey nghĩa là thủ lĩnh, giao nộp ông, nhưng Mavromichalis từ chối, viện cớ già cả[8], sau này trong cuộc kháng chiến, hai trong số các con trai của Mavromichalis sẽ tử trận trong các trận đánh chống lại quân Thổ.

Bức tượng kỵ sĩ Theodoros Kolokotronis tại Nafplion, Hy Lạp

Cuộc họp mang tính quyết định diễn ra tại Vostitsa (nay là Aigion), với tất cả các thủ lĩnh và tổng Giám mục trên toàn bán đảo Peloponnese tề tựu trong ngày 26 tháng 1. Trong cuộc họp, tất cả các chỉ huy chiến binh tự do klepht tuyên bố họ đã sẵn sàng hành động, trong khi phần lớn giới lãnh đạo dân sự vẫn còn nghi hoặc, và đòi được bảo đảm rằng quân Nga sẽ can thiệp. Dù thế nào đi chăng nữa, khi tin tức về việc Ypsilantis tiến quân vào các Công quốc Danube truyền tới, thì tình hình trên bán đảo Peloponnese đã trở nên hết sức căng thẳng, và rồi cho tới giữa tháng 3, các hoạt động rải rác chống lại người Hồi giáo nổ ra, báo hiệu cuộc khởi nghĩa. Sau này người ta biết rằng tuyên bố Khởi nghĩa bởi tổng Giám mục Paras, cha Germanos ngày 25 tháng 3 tại tu viện Agia Lavra chỉ là chuyện thêu dệt. Tuy nhiện, ngày đó đã được chính thức chấp nhận là ngày kỷ niệm Cách mạng bùng nổ, và được chọn là ngày quốc khánh Hy Lạp.

Ngọn cờ cách mạng được ưa chuộng là lá cờ của dòng họ Kolokotronis

Ngày 17 tháng 3 năm 1821, thủ lĩnh của người Mani Petros Mavromichalis cho dựng lá chiến kỳ của mình tại Areopoli, đánh đi tín hiệu khởi nghĩa chống quân Thổ bùng nổ. Hai ngàn chiến sĩ Mani dưới quyền Petros Mavromichalis, trong đó có cả Kolokotronis cùng hai người cháu NikitarasPapaflessas hành quân về thị trấn Kalamata thuộc hạt Messenia. Người Mani đến Kalamata ngày 21 tháng 3, rồi sau hai ngày vây hãm thị trấn rơi vào tay người Hy Lạp[9]. Cùng ngày, Tổng Giám mục Andreas Londos khởi nghĩa tại Vostitsa[10]. Tới ngày 28 tháng 3, Nghị viện Messenia, hội đồng chính quyền địa phương đầu tiên tại Hy Lạp khai mạc tại Kalamata.

Tại Achaia, thị trấn Kalavryta bị vây hãm ngày 21 tháng 3. Tại Patras, trong không khí vốn đã căng thẳng, người Thổ bắt đầu chuyển tài sản vào trong pháo đài từ ngày 28 tháng 2, rồi đến ngày 18 tháng 3 chuyển cả gia quyến vào. Tới ngày 22 tháng 3, lực lượng cách mạng ra tuyên cáo Cách mạng ở quảng trường Agios Georgios tại Patras, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Germanos. Ngày hôm sau, các lãnh tụ khởi nghĩa ở Achaia gửi thông báo đến các lãnh sự quán ngoại quốc tuyên bố nguyên nhân Cách mạng[11]. Tới ngày 23 tháng 3, quân Thổ mở vài cuộc tấn công lẻ tẻ vào thị trấn, trong khi quân cách mạng, lãnh đạo bởi Panagiotis Karatzas đẩy lùi quân Thổ vào trong pháo đài[12]. Makryiannis, lánh nạn trong thị trấn, miêu tả lại trong hồi ký:

Σε δυο ημέρες χτύπησε ντουφέκι στην Πάτρα. Οι Tούρκοι κάμαν κατά το κάστρο και οι Ρωμαίγοι την θάλασσα.[13]

Người ta bắn nhau từ hai ngày trước đây ở Patras. Quân Thổ chiếm cứ pháo đài, trong khi quân Hy Lạp chiếm vùng bờ biển[14]

.

Tới cuối tháng 3, người Hy Lạp trên thực tế kiểm soát vùng nông thôn, còn quân Thổ Nhĩ Kỳ bị giam hãm trong các pháo đài, đáng kể nhất là Patras, Rion, Acrocorinth, Monemvasia, Nafplion và thủ phủ Tripolitsa, cùng với rất nhiều người Hồi giáo chạy tỵ nạn cùng gia đình từ khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Tất cả những vị trí đó đều bị các lực lượng quân địa phương bao vây một cách lỏng lẻo, vì quân Hy Lạp không có pháo binh để công thành. Ngoại trừ Tripolitsa, tất cả các pháo đài này đều có đường thông ra biển và có thể nhận tiếp viện từ hải quân Ottoman.

Kolokotronis quyết tâm hạ Tripolitsa, thủ phủ của bán đảo Peloponnese, ông tiến về tỉnh Arcadia chỉ với 300 quân Hy Lạp và đánh bại đạo quân Thổ gồm 1.300 người[15]. Ngày 28 tháng 4, vài ngàn chiến binh Mani chỉ huy bởi các con trai của Mavromichalis hội binh với Kolokotronis bên ngoài Tripolis. Tới ngày 12 tháng 9 năm 1821, thủ phủ của người Thổ trên bán đảo Peloponnese rơi vào tay Kolokotronis và quân Hy Lạp.

Cách mạng tại miền Trung Hy Lạp

Trận Vassilika mang thắng lợi cho lực lượng cách mạng Hy Lạp

Khu vực đầu tiên ở miền trung Hy Lạp nổi dậy là Phokis ngày 24 tháng 3, thủ phủ là Salona (nay là Amfissa), rơi vào tay Panourgias ngày 27 tháng 3. Tại Boeotia, Athanasios Diakos chiếm được thành phố Livadia ngày 29 tháng 3, rồi 2 ngày sau đó là Thebes. Quân đồn trú Thổ Nhĩ Kỳ kháng cự lại tại pháo đài Salona, cho tới khi quân Hy Lạp hạ được thành ngày 10 tháng 4. Cùng thời gian, quân Hy Lạp thua trận Alamana khi đối đầu với đạo quân Thổ của viên tướng người Albania Omer Vryonis, chỉ huy Athanasios Diakos bị trọng thương và bị bắt sống trong khi đánh đoạn hậu cầm chân quân Thổ để quân Hy Lạp rút lui. Quân Thổ hứa tha mạng và trọng thưởng cho ông nếu ông chấp nhận đầu hàng và cải đạo Hồi giáo, nhưng ông từ chối, nói rằng ông thà chết là người Hy Lạp. Ông bị hành quyết bằng cách đóng cọc cho tới chết. Quân Thổ bị chặn lại trong trận Gravia, gần núi Parnassos và phế tích của đền thờ Delphi, bởi toán quân Hy Lạp của Odysseas Androutsos. Vryonis quay sang hướng Boeotia và cướp phá Livadia trong khi chờ đợi viện quân trước khi hành binh về Morea. Tuy nhiên lực lượng viện binh Thổ Nhĩ Kỳ gồm 8.000 quân dưới quyền Beyran Pasha bị chặn và bị đánh bại trong trận Vassilika ngày 26 tháng 8 bởi lực lượng khởi nghĩa ít hơn nhiều lần. Thất bại này buộc Vryonis cũng phải rút lui, đảm bảo sự an toàn cho cuộc cách mạng Hy Lạp vẫn còn trong thời kỳ trứng nước.

Cách mạng tại đảo Crete

Đóng góp cho cách mạng của người đảo Crete là rất to lớn, nhưng người Crete không tự giải phóng được khỏi ách đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, vì quân Ai Cập can thiệp. Đảo Crete có lịch sử lâu dài phản kháng sự thống trị của Thổ, nổi bật với người anh hùng dân gian Daskalogiannis, người đã hy sinh trong khi chiến đấu chống quân Thổ. Cuộc khởi nghĩa năm 1821 của người Kitô giáo bị chính quyền Ottoman đàn áp nặng nề, với một số Giám mục bị xử tử vì bị cho là thủ lĩnh quân khởi nghĩa. Trong khoảng thời gian từ năm 1821 đến năm 1828, hòn đảo là nơi liên tiếp diễn ra các hoạt động thù nghịch và bạo lực. Người Hồi giáo bị dồn vào các thị trấn lớn được phòng thủ cẩn mật ở bờ biển phía bắc, và dường như có đến 60% trong số đó chết vì bệnh tật và đói khát. Người Crete Kitô giáo cũng phải chịu nhiều tổn thất, mất đến 21% dân số.

Năm 1824, sultan của đế quốc Ottoman là Mahmud II, do không có quân đội riêng (vì đã giải tán đạo Cấm vệ quân Janissary trước đó) cho nên buộc phải viện đến Pasha (phó vương) Ai Cập là Muhammad Ali Pasha, người tuy là chư hầu nhưng cũng đồng thời là địch thủ và có tư tưởng phản loạn gửi quân đến Crete để dẹp loạn. Hạm đội Ai Cập dưới quyền chỉ huy của đích thân Ibrahim Pasha, con trai phó vương Ai Cập với 17.000 quân đổ bộ lên đảo để trấn áp người Hy Lạp. Hạm đội liên hợp Ai Cập-Thổ tới năm 1927 bị hải quân đồng minh do Đô đốc Edward Codrington chỉ huy tiêu hủy hoàn toàn, nhưng người Anh không muốn đảo Crete trở thành một bộ phận của vương quốc Hy Lạp độc lập kể từ năm 1830, vì sợ rằng hòn đảo sẽ trở thành trung tâm cướp biển như trước kia, hoặc trở thành quân cảng cho hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Đảo Crete sẽ phải tiếp tục nằm dưới ách thống trị của Đế quốc Ottoman, nhưng do Ai Cập quản lý.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_giành_độc_lập_Hy_Lạp http://www.ahistoryofgreece.com/revolution.htm http://www.lib.msu.edu/sowards/balkan/ http://www.anistor.co.hol.gr/english/enback/e972.h... http://www.myriobiblos.gr/texts/english/makriyanni... http://www.snhell.gr/testimonies/writer.asp?id=102 http://www.heraldica.org/topics/royalty/greece.htm... https://archive.org/details/historygreekrev00gordg... https://archive.org/details/thatgreecemights0000st... https://web.archive.org/web/20030811113102/http://... https://web.archive.org/web/20070202182659/http://...